Call us: (028) 66.701.709 | Hotline: 0903.419.479

Ngôn ngữ

englishEnglish / VietnamTiếng Việt

Trường hợp nào sẽ phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có?

Hiện nay, tội phạm về xâm phạm sở hữu xảy ra ngày một phổ biến. Đi kèm với việc chiếm đoạt tài sản của bị hại thì các đối tượng còn quan tâm đến việc tiêu thụ tài sản sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó, kéo theo tội phạm về tiêu thụ tài sản phạm tội ngày một phổ biến. Để tìm hiểu xem trường hợp nào sẽ phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có? Công ty Luật Apolo Lawyers sẽ tiến hành phân tích các yếu tố có liên quan đến tội phạm trên. Để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất hãy liên hệ với chúng tôi qua số Hotline: 0903.419.479.

Trước hết, để hiểu rõ về tội phạm này, hãy cùng tìm hiểu về cấu thành tội phạm của Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS hiện hành).

dich-vu-luat-su-apolo-lawyers

1. Cấu thành tội phạm của Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS hiện hành)

1.1. Về khách thể

Xâm phạm đến là trật tự quản lý Nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có. Đối tượng tác động của tội này là tài sản do người khác phạm tội mà có.

1.2. Mặt khách quan

Hành vi khách quan: Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thể hiện ở các hành vi như: Chuyển dịch quyền sở hữu như mua, bán, trao đổi, cho, tặng, sử dụng… tài sản cho người khác mà mình biết rõ tài sản này là do người đó phạm tội mà có.

Ví dụ: Bán hộ một người bạn một chiếc xe gắn máy dù biết rõ là xe này là do người bạn trộm cắp mà có.

Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

1.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý; có nghĩa người phạm tội phải biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp hoặc tiêu thụ. Trường hợp người chứa chấp hoặc tiêu thụ không thể biết được tài sản đó là do người khác phạm tội mà có thì không phạm tội này.

1.4. Chủ thể

Chủ thể của tội này là chủ thể thường, tức người nào có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định thì đáp ứng về mặt chủ thể đối với loại tội này.

2. Phân tích yếu tố biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có

2.1. Tài sản bao gồm những gì?

Tài sản bao gồm: Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản.

2.2. Tài sản do người khác phạm tội mà có là gì?

“Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

2.3. Thế nào là biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có?

Việc người phạm tội phải “Biết rõ” tài sản là do người khác phạm tội mà có” được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30 tháng 11 năm 2011 (sau đây gọi tắt là Thông tư 09), theo đó: “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.”.

Ngoài ra, cũng theo Thông tư 09 xác định “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: Tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: Xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

Như vậy, có thể hiểu, “biết rõ” tài sản do người khác phạm tội mà có là “có căn cứ chứng minh” việc người phạm tội đã biết rằng tài sản mình tiêu thụ là kết quả của việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Các căn cứ để xác định hành vi phạm tội này không chỉ dựa vào lời khai chủ quan của người thực hiện hành vi, mà còn dựa vào các tài liệu, chứng cứ vật chất thu thập được. Để đánh giá vấn đề được khách quan, toàn diện nhất, tránh việc người phạm tội khai nhận quanh co, ngoan cố không thừa nhận việc mình biết rõ tài sản do phạm tội mà có.

Bên cạnh đó, kế thừa Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã giải thích thế nào là “có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội” tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS năm 2015 về tội rửa tiền như sau:

“4. Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có);

b) Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin);

c) Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền);

d) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó)”

Mặc dù quy định trên hướng dẫn cho tội rửa tiền theo Điều 324 BLHS hiện hành. Nhưng không thể phủ nhận đây là một trong những căn cứ vững chắc để nhận biết, đánh giá về việc “biết hay có cơ sở để biết tài sản là do người khác phạm tội mà có”. Từ đó, vận dụng linh hoạt vào việc giải quyết tội phạm liên quan đến việc tiêu thụ tài sản phạm tội. Trong hướng dẫn tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ở trên thì ngoài việc đề cập đến vấn đề đối tượng tiêu thụ trực tiếp biết được tài sản mình tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có, thì còn đưa ra các trường hợp buộc người thực hiện hành vi phải nhận thức được tài sản mình tiêu thụ là tài sản phạm pháp. Đây được xem là các căn cứ dùng để đánh giá ý thức chủ quan của người phạm tội mà không cần phải phụ thuộc vào việc người phạm tội thừa nhận hành vi của mình thì mới có thể kết tội.

2.4. Đặc trưng của Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS hiện hành)

Từ những vấn đề phân tích nêu trên, tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có sẽ bao gồm các đặc trưng sau:

Một là, về thời điểm nhận tiêu thụ; người tiêu thụ không có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là sẽ tiêu thụ tài sản; có nghĩa người nhận tiêu thụ tài sản sau khi hành vi phạm tội của người có tài sản đem tiêu thụ đã hoàn thành. Bởi vì, nếu hứa hẹn trước thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản không phạm tội này mà đồng phạm với hành vi phạm tội của người có tài sản đem chứa chấp, tiêu thụ với vai trò là người giúp sức.

Hai là, về nhận thức, người chứa chấp hoặc tiêu thụ phải biết rõ tài sản đó do người khác phạm tội mà có được.

dich-vu-luat-su-apolo-lawyers

3. Hình phạt đối với Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS hiện hành)

Theo quy định tại Điều 323 BLHS hiện hành khung hình phạt và mức hình phạt áp dụng đối với tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có sẽ được xác định như sau:

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Có thể thấy, nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều luật trên thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mặt khác, người phạm tội còn có thể bị xử phạt đến 15 năm tù về Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nếu thuộc các trường hợp khác quy định trong Điều luật trên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Luật sư tư vấn về Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và liên hệ tư vấn

Khi thuộc một trong các chủ thể liên quan đến Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS hiện hành). Bạn hãy liên lạc với các chủ thể am hiểu pháp luật như luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tốt nhất. Công ty Luật Apolo Lawyers cung cấp một số hoạt động pháp lý có liên quan như sau:

- Tư vấn cho khách hàng về Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS hiện hành), các quy định có liên quan của pháp luật hình sự;

- Tư vấn quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan;

- Tư vấn về thủ tục mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

- Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

- Hỗ trợ khách hàng soạn thảo các văn bản như văn bản kiến nghị, khiếu nại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;

- Tư vấn, hỗ trợ khách hàng cung cấp, thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan.

Công ty Luật Apolo Lawyers cam kết với khách hàng sẽ đảm bảo chất lượng dịch vụ, tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Nếu muốn được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất hãy liên hệ với chúng tôi qua email: contact@apolo.com.vn hoặc số Hotline: 0903.419.479.

>>> Xem thêm: Tham gia giải quyết tranh chấp về nhượng quyền thương mại

>>> Xem thêm: Tư vấn nhượng quyền thương mại

APOLO LAWYERS

 

 

Dịch vụ ly hôn nhanh

Tham gia tranh tụng tại Trọng tài thương mại

Luật sư tư vấn pháp luật Lao động

Tư vấn pháp luật về thừa kế

Dịch vụ thành lập doanh nghiệp tại Sài Gòn

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận bản tin ngay hôm nay để nhận được những thông tin mới nhất từ CÔNG TY LUẬT APOLO LAWYERS

phone-icon